Đăng nhập

NGH THUT TUNG

Theo cách nghĩ - cách nhìn của  NSƯT Trần Văn Vỹ


 I .  TÊN GỌI

 ( Hát bộ - Hát Bội – Hát Tuồng )

           Ba tên gọi trên đều đang tồn tại với một loại hình nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ cái tên gọi cho một vật nào đó như ta thường thấy, thường biết thì vật đó phải có những yếu tố, đặc điểm tương quan với nhau. Ví dụ:  con cá “Bò” là một loại cá biển có bộ da cực dày giống da Bò. Cho nên những trình thức hiện hữu để cấu thành của loại hình nghệ thuật này cũng phải có những yếu tố mang tính của cái tên gọi đó. Chúng ta thử đi sâu vào xem !

 

a)    Hát bộ:

          Nghệ thuật hát Bộ là một loại kịch hát sân khấu cổ điển của dân tộc ta, nó có những đặc điểm khác biệt với những loại kịch hát khác.Nó có ba đặc tính chủ yếu : Ước Lệ, Cách Điệu Tượng Trưng.( thực nghĩa của ba đặc tính này xin được trao đổi, tham khảo cùng các bạn ở mục sau).

          Là một loại hình nghệ thuật mà toàn bộ ca từ đều dưới dạng thơ niêm luật : Lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn….ngoài ra còn có loại ba chữ, bốn chữ, mười một chữ tùy theo chúng được thể hiện qua làn điệu nào, tính cách nhân vật nào. Tính đặc trưng lập dị của Tuồng là sự song hành giữa múa và hát. Hát là để cho người xem biết nhân vật đang nói gì, Múa là để minh họa ngay câu hát đó bằng hình tượng tượng trưng, để giúp cho người xem kịp thời hiểu được bối cảnh và thực ý, điều mà nhân vật đang diễn tả. Có lẽ ở chỗ lập dị đặc trưng này mà nó mang tên “ Hát Bộ” nghĩa là : “ hát đâu bộ đó”.

 

b)    Hát bội :

         Thì cũng chính là nội dung (a). Theo phân tích của nhà nghiên cứ Vũ Khắc Khoan: “do diễn viên trong nghệ thuật hóa trang, thường giắt trên người nhiều ( Bội ) những thứ như cờ lệnh, lông Công, lông Trĩ...nên gọi là hát bội”. Cờ lệnh, lông Công, lông Trĩ là những biễu tượng của mãnh tướng, như vậy trong một vở diễn của loại hình kịch hát này các nhân vật đâu chỉ là những mãnh tướng?

          Còn theo tài liệu của nhà Hát Tuồng Đào Tấn, trong tập tư liệu nghiên cứu của nhà nghiên cứu người pháp, nghiên cứu về văn hóa phương đông thì có lập luận rằng: “Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam mang tên hát bội đúng! Vì mọi kịch từ của nó được thể hiện bằng cách nâng lên gấp bội lần so vói ngôn ngữ bình thường của người nói”. Việc kịch từ nâng lên gấp bội lần thì cũng chỉ là một trong ba đặc tính của nghệ thuật tuồng mà thôi ( tức là tính cách điệu ). Tôi nghĩ hai ý này đều thiếu tính thuyết phục…

 

c)     Hát Tuồng

         Trước tiên ta cùng tìm hiểu “Tuồng” là gì?

        Trong nhân gian có câu “ Có tích, mới dịch nên tuồng”, câu nói này hàm chứa hai nghĩa. Nghĩa bóng là có sự việc mới có tin đồn, cũng như “có lửa mới có khói” Nghĩa đen của nó  “Tuồng” là từ sự tích mà ra. Ví dụ : Tuồng “ Tam nữ Đồ Vương” chuyện từ gia đình một nông dân: (Tạ Ngọc Lân, Tạ Kim Hùng và Tạ Phương Cơ), hoặc Tuồng “ Tam quốc diễn nghĩa” chuyện từ Triều Đình nhà Hán, hậu nhân của Hán Cao Tổ (Lưu Bang). Bị Tào Tháo lộng quyền, thao túng muốn thâu tóm giang sơn, tìm diệt Lưu Bị mà  ra…Hoặc một ví dụ khác: hôm nay rủ nhau đi xem diễn Cải Lương, Dân ca kịch hoặc Hát Chèo… Thì người được rủ hỏi: hôm nay diễn tuồng gì? Người kia sẽ trả lời: “ Tuồng Lưu Kim Đính..”. Như vậy “Tuồng” chỉ là tên của tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải tên của một loại hình nghệ thuật. Điều này chứng minh “ Hát Tuồng” là tên tương đương của “Hát Bộ” là không có tính thuyết phục.

         

II . XUẤT XỨ

            Như phần lớn ta đã biết, Đất nước ta trải qua giai đoạn xã hội phong kiến khá dài, những nhà viết sử cũng đã ghi chép khá nhiều những sự kiện  thay đổi, bổ sung hoặc cải cách nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị văn hóa …qua các triều đại Vua Chúa. Nhưng xã hội thời đó lại rất miệt thị người làm nghề Hát Xướng, họ quan niệm “xướng ca vô loại” bỡi vậy mà nghệ thuật hát bộ từ đâu đến, đến khi nào, ai tiếp quản, trong kho tàng lịch sử Việt không có chữ nào. Thế nhưng hiện hữu sản vật thì còn nguyên đó, thì muốn hay không chúng ta cũng chỉ qua lời chuyền lời trên cơ sở truyền thuyết.

          Trên thực tế hiện thời, nghệ thuật văn hóa Đông Nam Á ít nhất có 4 nước có loại hình nghệ thuật có nét giống nhau : Kinh kịch Trung Quốc, Hát bộ Việt Nam, kịch Pắc Xắc Campuchia và kịch Nô Nhật Bản. Mà giống nhau nhất vẫn là kinh Kịch với Hát Bộ Việt Nam. Điều đó cũng dễ làm cho ta xem như cơ sở để tin tưởng vào tương truyền rằng : Nghệ thuật hát bộ đến Việt nam từ hai con  người Trung Quốc. Một là Liêu Thủ Tâm mang đến Hoa Lư vào năm (1005) đã được vua Nam ( Lê Long Đĩnh) thâu dụng. Một nữa là Lý Nguyên Cát, tên lính quân Nguyên trong đoàn quân xâm lược nước ta vào thời Trần ( cuối thế kỷ 19) đã bị Hưng Đạo Vương bắt, hắn khai rằng nguyên là một diễn viên kinh kịch, nên đã được Hưng Đạo Vương lưu lại để truyền dạy nghệ thuật cho binh sỹ nhà trần cốt làm vui quân trại khi cần. Và rồi hậu vận của hai con người ấy ra sao! Lịch sử cũng không thấy đề cập.

         

III . ĐẶC TÍNH của NGHỆ THUẬT TUỒNG

           Nghệ thuật hát tuồng có ba đặc tính lớn: Ước Lệ, Cách Điệu tượng trưng. Ba đặc tính này luôn luôn quan hệ với nhau rất hữu cơ. Trong ba yếu tố đặc tính trên có hai yếu tố trái ngược nhau về tính chất, đó là Ước Lệ Cách Điệu, nhưng chúng lại quan hệ mật thiết không thể tách rời trong hát, múa và diễn.   

         *  Tính  Ước Lệ

           Ước : là giản ước, tức là phương pháp rút gọn thực thể mà không làm thay đổi giá trị của nó ( cũng như ước giản phân số ). Lệ : là luật, tức là phương pháp giản Ước đó đã được quy định và trở thành luật. Tóm lại Ước Lệ là luật giản ước trong nghệ thuật biểu diễn Tuồng. Ví dụ ( 1 ): nhân vật đang bị truy đuổi thì với trạng thái gấp gáp nhanh nhẹn, Hát Tẩu Mã hoặc hát Nam chạy. Màn đường kéo qua cắt không gian tại đây. Tiếp đến nhân vật ấy lại xuất hiện với một trạng thái khác trong vòng vài giây, để giải thích cho người xem, diễn viên nói câu : “ đã ba năm ăn núi nằm rừng, Thân dõng tướng trở nên tìu tụy” Thì người xem sẽ hiểu rằng vị tướng thất trận này đã lưu lạc trong rừng ba năm. Đó là ước lệ thời gian. Hoặc trường hợp khác, khi nhân vật bắt đầu một cuộc hành trình bằng một câu hát Nam:      

          Ví dụ sau câu hát: “ Dặm ngàn sức Ngựa nan kham” người diễn viên xoay một vòng theo chiều đang đi và nói: hay a! đã đến Sơn trại rồi đây…

          Vậy là          “ Lương Sơn bằng hữu thõa tình hàn huyên…”

          Câu : Dặm ngàn sức ngựa nan kham”, là để giới thiệu cho ta biết bắt đầu cuộc hành trình xa ngàn dặm.  sau động tác xoay và nói: đã đến sơn trại … tức là đã Ước Lệ. Từ bắt đầu đi cho tới khi kết thúc chỉ trong vòng một phút.. Như vậy trường hợp này ta đã Ước Lệ cả không gian và thời gian

          Ví dụ (2)  : câu “ Trước mặt ta núi đá sững sờ

                                     Sau lưng mỗ địch quân truy sát”

          Thì “núi đá” người xem không thấy bằng thực, mà chỉ hiểu rằng trước mặt anh ta có núi dựng đứng chặn đường chỉ qua động tác múa ( bộ dựng) của diễn viên mà thôi. Đó là Ước Lệ không gian…

 

*   Tính  Cách Điệu

           Cách : là đặc cách, ( tức là nâng bậc lên).

           Điệu: là cường điệu, tức là cường điệu hóa điều đó lên nhiều lần so với cái thực. Vậy tính cách điệu trong nghệ thật tuồng là phương pháp khoa trương, cường điệu hóa từ cái thật. Ví dụ: Mời khách dùng trà, ở đời thường ta chỉ đưa ngửa bàn tay cộng theo lời mời là được. Với nghệ thuật tuồng, nhân vật mời trà phải dùng bằng trình thức múa. Bằng hai tay múa một vòng tròn trước mặt mình (biến thể của bộ cung kính) như gián tiếp nâng lấy ly trà trao tận tay khách cộng với lời mời. Đó là tính cách điệu trong múa tuồng, còn tính cách điệu trong hát tuồng thì như tôi đã đề cập trong mục ( b ) của bài viết này. Như vậy qua đây chúng ta thấy giữa hai đặc tính Ước LệCách Điệu có tính chất chống ngược nhau, nhưng lại tồn tại một cách song hành ở trong một quy trình. Thì đó chính là nét đặc trưng của bộ môn nghệ thuật này.

 

*   Tính  Tượng Trưng

          Tính Tượng Trương trong nghệ thuật tuồng là sự đại diện bằng biễu tượng, mang tính khái quát, gợi ý. Chúng ta tạm hiểu : Tính Tượng Trưng trong  Nghệ Tthuật Tuồng nó giống như một vị Thống Soái của một cơ chế nào đó vậy. Là một quy tắc đương nhiên trong biểu diễn nghệ thuật hát bộ. Nó có vai trò làm chủ trong tất cả các khâu của một vở diễn. Từ khâu kịch bản, Đạo Diễn, hội họa trang trí, Âm Thanh, Ánh Sáng, nghệ thuật Diễn Viên, Âm Nhạc, Biên Đạo Múa…Trong đó Âm Nhạc, Ánh sáng và Biên Đạo múa chức năng vốn dĩ đã là gợi ý, tượng trưng và hỗ trợ cho nghệ thuật biểu diễn của diễn viên.

          Ngoài ra các khâu còn lại tính Tượng Trưng  được sử dụng như :

 

-         Khâu kịch Bản :

           Đầu từng lớp diễn đều có lời phi lộ giới thiệu bối cảnh của lớp kịch, nhưng lời phi lộ đó là tác giả lưu ý cho Đạo Diễn khi Dàn dựng và diễn viên biểu diễn lớp kịch đó chứ không dành cho khán giả. Mà Khán giả chỉ hiểu qua nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, đã được tác giả trang bị ở đó. Ví dụ : Nhân vật Thạc Sanh xuất hiện ra sân khấu, khán giả chỉ thấy đằng sau bên trong sân khấu một búc phong rừng nhỏ, phía trước là thạch sanh, nhưng để biết đó là ai? Làm gì? Trong bối cảnh nào?  thì khán giả phải trông vào lời kịch của vai Thạch Sanh đã được tác giả giới ý :

 

                      Núi rừng quen bước tới lui

                     Chim thú vốn là bè bạn

( tôi đây)      Giết chằng dữ phải mang tai nạn

                     Nhờ Lý Huynh tìm cách chở che

( từ tôi lên ẩn náu núi này, tôi nhớ Lý Huynh lắm)

                     Lòng vấn vương chút nghĩa bạn bè

                    Tình những muốn đền ơn tri ngộ…

          Qua đây ta hiểu Thạch sanh đang sống một mình giữa rừng núi hoang vu, tứ cố vô thân, làm bạn với chim muông. Nguyên nhân từ lỡ tay giết chết chằng tinh, nhờ người anh họ lý giúp đỡ tỵ nạn, lòng muốn báo ân…Như vậy chỉ qua sáu vế tuồng, tác giả đã cho ta thấy toàn bộ bối cảnh nơi đây, đồng thời cũng cho ta biết cả một chuỗi sự kiện đã xảy đến với Thạch Sanh trước đó, cũng như Thạch Sanh đang nghĩ gì! Bằng phương pháp Ước Lệ, Tượng Trưng cả về mặt không gian lẫn thời gian.

 

-         Khâu Đạo Diễn :

          Để giới thiệu cho khán giả sự chuẩn bị một cuộc đại chiến qua tám vế tuồng :

( Tam quân ! )     Gấp tề tựu bản doanh

                             Nghe Soái gia xuống lệnh

                            Nhị thập vạn, kỵ binh tinh nhuệ

                            Đi cùng ta trực phá tiền môn

                            Đông nam thành, thập vạn binh hùng

                            Chờ hiệu lịnh Thần Công Hỏa lực !

                            Tây Bắc thành, Vạn quân túc trực

                            Chờ tin hồi tiếp sức trung quân.

          ( Truyền tiến binh …..!) Sau câu truyền lệnh của vị tướng, chúng ta chỉ thấy tất cả diễn viên xoay một vòng, đứng thành ba mũi, giương giáo trong tư thế vương tới, Âm nhạc, ánh sáng phối hợp hỗ trợ trỗi lên một thứ Âm Thanh rập ràng, Hùng hồn của đoàn quân đang tiến và đèn tắt. thì người xem sễ hiểu rằng đoàn quân đang tiến.

          Thực tế ta thấy sân khấu cũng chỉ không quá 40 mét vuông và 10 đến 15 người là nhiều, nhưng với nghệ thuật Đạo Diễn đã sử dụng phương pháp tượng trưng và Ước lệ thì ta sẽ hiểu rằng đoàn quân đang xuất quân với  31 vạn người.

 

-         Khâu hội họa trang trí :

           Về hội họa trang trí chuyên dụng cho nghệ thuật Tuồng, cũng được thống nhất trên cơ sở Tượng Trưng, gợi ý chứ không tả thực như nghệ thuật phim ảnh hay các thể loại khác. Thực tế để trang trí một triều Đình, ta cứ tưởng tượng hàng bao nhiêu thứ hoa mỹ đến ngợp choáng mới đạt được độ trang nghiêm cần thiết. nhưng với nghệ thuật tuồng, từ cơ sở đó được chọn một vài để điển hình thôi, mà người xem cũng công nhận đó chính là một triều đình nghiêm túc.

 

 

                                                                                                  ( Còn tiếp )

         

          

          

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
21-03-2013 09:59:48 Ngo Duc Thinh

Tôi rất tâm đắc với những nhận xét, nghiên cứu của NSUT Trần Văn Vỹ. Trong thời đại đương thời của chúng ta hiện nay, việc nói ra những tâm tư, suy nghĩ một cách thẳng thán về nghệ thuật như đồng chí thì thật là hiếm và khó, chúng ta phải có những người tâm huyết với nghệ thuật và hiểu biết sâu mới có thể nhìn nhận về nghệ thuật cổ một cách đúng đắn. Rất có nhiều luồng nghiên cứu về nghệ thuật Tuồng hiện đang gây tranh cãi và chưa thuyết phục như vậy.

Nghệ thuật dân gian bao gồm: Nghệ thuật tạo hình dân gian (kiến trúc dân gian, hội họa dân gian, trang trí dân gian...); nghệ thuật biểu diễn dân gian (âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian, trò diễn...)

Hy vọng NSUT sẽ có nhiều nghiên cứu để góp phần bảo tồn và phát huy Nghệ thuật dân gian của nước nhà luôn phát triển và tồn tại. Chào thân ái !

                                                        GS . TS Ngô Đức Thịnh ( Viện nghiên cứu văn hóa)

Trả lời

24-03-2013 19:54:15 Trần Văn Vỹ

Thật không thể ngờ, khi nhận biết mình đã có được những chia sẻ quý hóa đến như vậy..!
Tôi rất mừng vì được sự đồng cảm của GS. đồng thời cũng rất thẹn trước những lời tán thưởng của Bác! bỡi vì tôi nghĩ với cái khả năng vốn dĩ hạn hẹp của mình, cũng chỉ có thể để được giải bày đôi chút suy nghĩ đã tích góp được từ một bầu trời nghệ thuật đã có tự lâu đời,với cùng ai đó mà thôi! Chắc bác cũng sẵn lòng thông cảm!
Điều mà tôi muốn có nhất là những gì có quan hệ đến sự "căn cứ" cho những trăn trở của tôi ở trên, để củng cố thêm niềm tin của mình đối với sự nghiệp mà tôi đã và đang theo đuổi.
Xin chân thành cảm ơn bác! tạm biệt bác..!
NSUT Trần Văn Vỹ

Trả lời


 

                                           Design by Tran Minh Hoa - Tel : 0983 44 00 18 - Email : tranhoaqn@yahoo.com.vn - ­­­­­­­website : www.­­­tranminhhoa.mov.mn

Tự tạo website với Webmienphi.vn